Lượt xem: 794

Hội thảo về trồng hành tím theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP

Sáng ngày 27-02, UBND thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức Hội thảo về trồng hành tím theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến dự có các đồng chí: Võ Văn Chiêu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương; Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Tiến sĩ Phạm Quang Thắng - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ hữu cơ Việt Nam; các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ và Viện nghiên cứu rau quả - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    
    Về phía thị xã có sự tham dự của đồng chí Triệu Thị Ngọc Diễm - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã; lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã cùng các ban ngành, đoàn thể thị xã; UBND các xã, phường và các hộ nông dân tham gia thực hiện các mô hình trồng hành tím.

Các nhà khoa học tham gia tọa đàm cùng nông dân

         Hành tím Vĩnh Châu được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2009, cùng với đó, hành tím Vĩnh Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00075, ngày 28 - 5 - 2019; cuối năm 2019 hành tím Vĩnh Châu được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh được cấp chứng nhận 03 sao. Càng góp phần khẳng định giá trị và chất lượng của củ hành tím Vĩnh Châu trên thị trường trong và ngoài nước, vì vậy việc nâng cao chất lượng hành tím thông qua sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP chính là hướng đi an toàn và chắc chắn, để giúp tăng giá trị cây hành tím, đồng thời nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong canh tác nông nghiệp. Sản xuất có trách nhiệm với môi trường, hạn chế tác động xấu đến tài nguyên đất, nước, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cho người nông dân. 

         Tại hội thảo, các đại biểu được xem trình chiếu phóng sự về hiệu quả của các mô hình trồng hành tím theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn thị xã, giai đoạn 2017-2019. Theo thống kê, thị xã Vĩnh Châu có diện tích trồng hành tím khoảng 6.500 ha, trong đó hành thương phẩm 5.000 ha và hành giống 1.500 ha. Trong giai đoạn 2017-2019, từ các chương trình dự án của tỉnh và thị xã, ngành Nông nghiệp địa phương đã triển khai được 7 mô hình, với tổng diện tích 116,2 ha trồng theo hướng hữu cơ sinh học, đồng thời nông dân thị xã đã nhân rộng được thêm 190 ha diện tích trồng theo hướng hữu cơ sinh học tại các xã, phường. Ngoài ra có 10,8 ha hành tím đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và được công nhận nhằm mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Qua việc chuyển đổi thói quen tập quán sản xuất, dần hướng nông dân chuyển sang canh tác các mô hình hữu cơ, an toàn sinh học, được nông dân đón nhận và vận dụng vào sản xuất ngày càng hiệu quả. 

         Từ kết quả canh tác thực tế cho thấy, sử dụng phân hữu cơ giúp giảm được 30% phân hóa học và vẫn đảm bảo sinh trưởng cây hành tím, không ảnh hưởng đến năng suất. Đồng thời chất lượng củ hành tím cũng được nâng cao hơn, màu sắc đẹp hơn, củ hành to, đều, vỏ củ mượt; hạn chế được dư lượng nitrate và thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học kết hợp với biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp giúp phòng trừ dịch hại hiệu quả hơn, hạn chế khả năng kháng thuốc của các đối tượng sâu hại. Không những đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng mà còn giúp cải tạo đất, hạn chế ô nhiễm môi trường đất do phân bón, thuốc hóa học gây ra.

         Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày tham luận về kết quả thử nghiệm chế phẩm sinh học trên cây hành tím, mô hình trình diễn phân hữu cơ trên hành tím, điều tra tình hình dịch hại trong canh tác, bảo quản và bước đầu nghiên cứu biện pháp bảo quản hành tím theo hướng an toàn.

         Cũng trong khuôn khổ nội dung hội thảo, các nhà khoa học đã tham gia tọa đàm, trả lời những thắc mắc của các hộ nông dân về các phương pháp và kỹ thuật trồng hành tím theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

         Với hàng chục năm gắn bó cùng cây hành tím, trước đây nông dân Vĩnh Châu chỉ trồng theo kinh nghiệm của từng nhà nên giá trị sản phẩm chưa cao. Những năm gần đây, người trồng hành được ngành Nông nghiệp địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch và an toàn, đồng thời vận động nông dân liên kết sản xuất, thành lập các HTX, Tổ hợp tác để được hỗ trợ nhiều hơn nữa về kỹ thuật canh tác, cũng như tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm làm ra. 

        Thông qua các đợt tập huấn, hội thảo đầu bờ, trình diễn mô hình mẫu do ngành Nông nghiệp tổ chức, bà con nông dân đã biết ứng dụng khoa học vào sản xuất và được cập nhật cách sản xuất mới, đặc biệt là biết đến quy trình trồng hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, việc canh tác hành giảm chi phí đáng kể, thay thế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh thân thiện môi trường, góp phần cải tạo đất, nhờ vậy củ hành phát triển tốt, cho năng suất vượt trội so cách trồng hành truyền thống.


Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu được trồng hoàn toàn bằng hữu cơ sinh học

         Ở vụ hành vừa qua, nhiều hộ nông dân ở thị xã Vĩnh Châu rất phấn khởi vì hành tím cho năng suất cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ tham gia mô hình đã bán hành tím với giá từ 22.000 - 45.000 đ/kí, tăng cao hơn từ 4.000 - 5.000đ/kí so với giá thị trường. Vì thế người dân rất phấn khởi với hướng đi mới, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Quỳnh Liên



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 3130
  • Trong tuần: 72,463
  • Tất cả: 11,866,490